Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Đến Đầm Đông Hồ ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp

Là một trong những mười cảnh đẹp nổi tiếng của Hà Tiên, Đầm Đồng Hồ lung linh sóng nước, đẹp và nên thơ trong hàng trăm năm qua với hình ảnh "Đông Hồ Ấn Nguyệt" với khung cảnh trời nước in hình bóng núi đẹp tựa một bức tranh thủy mặc.

Đầm Đông Hồ là một hồ nước phẳng lặng, yên bình giữa bốn bề sông núi thơ mộng. Phía trước hồ có núi Ngũ Hổ, phía sau có dãy núi Tô Châu, phía tây là sông Hà Tiên còn phía đông là sông Giang Thành. Hồ nước rộng 14 km2.

Nơi đây luôn tĩnh lặng, tách biệt với sự xô bồ của thế giới hiện đại. Quanh hồ ngả bóng là nhiều tầng dừa nước mọc dọc các bãi bồi ngập nước. Cho đến nay, cư dân trong vùng vẫn còn khá thưa thớt, có rất ít hộ dân sinh sống. Có khi cách hàng trăm mét mới thấy bóng dáng một ngôi nhà lợp lá. Và tuyệt nhiên nơi đây không thấy bóng dáng của nhà máy, chợ búa, xe cộ,… Do đó, khung cảnh nơi đây hiện lên với hình ảnh nhà quê mộc mạc giống như ở nhiều thập kỷ trước. Người xung quanh hồ thường sống bằng hai nghề chính đó là chằm lá để lợp nhà từ lá dừa nước và đào vuông nuôi tôm trong rừng dừa ngập nước.

Tương truyền rằng, cách đây 300 năm, tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích cùng các thi nhân trong Tao Đàn Chiêu anh các thường tụ hội đến đầm Đông Hồ thưởng trăng và ngâm thơ vào các ngày rằm khi ánh trăng tròn chiếu những ánh sáng đẹp lung linh trên mặt nước đầm. Nhiều tao nhân mặc khách đến nơi này thưởng trăng đã đặt cho nơi này một cái tên rất lãng mạn là Đông Hồ ấn nguyệt với ý nghĩa là ánh trăng đẹp một cách kỳ ảo trên đầm Đông Hồ. Cho đến bây giờ thì khung cảnh trăng huyền ảo vẫn nguyên vẹn như xưa, một vẻ đẹp trăm năm không phai.

Điều kiện tự nhiên đặc trưng đã tạo nên cho đầm Đông Hồ một vùng khí quyển trong lành và yên tĩnh đến tuyệt vời. Vì vậy mà nó được xem là khu vực dự trữ sinh quyển quan trọng của đồng bằng Sông Cửu Long.

Sinh học rừng ngập mặn đầm Đông Hồ rất đa dạng. Nơi đây có hơn 25 loài cây ngập mặn. Trong đó có loài ô rô tím, ráng biển thường, ráng đại, sú, mấm trắng, mấm đen, mấm biển, vẹt khang, vẹt trụ, dà quánh, quao nước, cui biển, giá, tra nhớt, cóc đỏ, cóc hồng, cóc vàng,  dừa nước, đước đôi, bần chua, bần ổi, bần trắng, tra bồ đề, xu Mekong, côi. Đầm Đông Hồ chính là hàng rào thực vật có giá trị cao, có nhiều vai trò trong việc mở rộng đất liền, nuôi dưỡng các loài động vật, bảo vệ đê biển, bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt trong thời kỳ khí hậu biến đổi như ngày nay.

(Ảnh: Internet)

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Thị xã Hà Tiên náo nức chào đón lễ giỗ Mạc Mi Cô

Mạc Mi Cô là con gái của đô đốc Tổng binh Đại, đô đốc của Trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích. Bà có nhiều công lao to lớn đối với trấn nên sau khi mất Bà đã được người dân Hà Tiên hết lòng thờ phụng. Không chỉ vậy, hằng năm nơi đây còn tổ chức lễ giỗ Mạc Mi Cô để thể hiện lòng biết ơn của mình và sự tiếc nuối trước sự ra đi của bà.

Lễ giỗ được tổ chức nhằm thể hiện sự tri ân của toàn thể nhân dân Hà Tiên đối với bậc tiền nhân qua đó cũng giúp giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống của địa phương. Hơn thế nữa, lễ giỗ Mạc Mi Cô cũng là sự kiện giúp thu hút du khách thập phương đến với Hà Tiên, góp phần cho sự phát triển du lịch của địa phương này.

Phần lễ chính được diễn ra vào các ngày 28, 29 tháng 9 âm lịch, tại Công viên Văn hóa Bình San bao gồm các nghi lễ như: Khai chung cổ, Lễ An chức sự, Lễ nghinh thần; Chiêm bái. Trong đó, “Lễ tắm Bà” là lễ quan trọng, được cử hành vào đúng 0h ngày 29, tiếp theo sẽ là Lễ tế thần, lễ Cúng Tiền hiền – Hậu hiền. Sau khi kết thúc phần tế lễ, chính quyền địa phương và người dân, du khách đến dâng hương tưởng niệm.

Phần hội cũng là phần được nhiều người háo hức chờ đón với các lễ hội đa dạng, hấp dẫn như: Hội chợ ẩm thực với sự tham gia của nhiều xã, phường và nhiều tổ chức đoàn thể hay thả hồn trong những gian hàng thư pháp tại phố thầy đồ. Ngoài ra còn có các hoạt động văn hóa văn nghệ như giao lưu đờn ca tài tử, múa bóng rổi, múa lân sư rồng. Trong khoảng thời gian diễn ra, lễ giỗ Mạc Mi Cô đã thu hút được hàng ngàn lượt người dân và du khách đến tham gia, chiêm bái, cầu khấn.

Lễ giỗ Bà hằng năm đã mang  lại nhiều ý nghĩa đặc biệt to lớn về văn hóa tinh thần cho người dân Hà Tiên. Có thể nói từ nhiều năm nay, lễ giỗ Mạc Mi Cô đã trở thành một dịp để mọi người cùng thành tâm khấn vái, cầu nguyện những điều may mắn, tốt đẹp cho người thân,  gia đình, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Và đó cũng là dịp để nhân dân nơi đây tôn vinh và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đồng thời, nó cũng là một dịp để khách thập phương đến với Hà Tiên trong các Tour Tet 2017 gia re, là cơ hội để thị xã Hà Tiên giới thiệu, quảng bá các thắng cảnh, di tích, tạo nên tiềm năng cho sự phát triển cho ngành du lịch ở Hà Tiên.

(Ảnh: Internet)

Ghé thăm Thạch Động, một trong mười thắng cảnh Hà Tiên

Thạch Động là một khối đá xanh khổng lồ hình chiếc mũ lông của của một chàng kỵ mã ngự lâm quân hiện lên giữa một vùng trời đất mênh mông. Là một trong mười thắng cảnh nổi tiếng của mảnh đất Hà Tiên, Thạch Động tọa lạc tại xã Mỹ Đức, Hà Tiên được rất nhiều khách du lịch tìm đến khám phá.

Thạch Động còn có tên gọi khác là Thạch Động Thôn Vân vì động này nằm ở độ cao 50m so với mực nước biển. Vào mỗi buổi sáng tinh mơ những lớp mây trắng xốp nhẹ như bông bao quanh đỉnh động tạo nên một khung cảnh mờ ảo. Mây bao trùm, dừng lại trên đỉnh động rồi từ từ tỏa xuống quanh cửa động như miệng động đang nuốt mây trong cái tên Thạch Động Thôn Vân.

Và đây cũng là một khối đá vôi cao 93m dựng đứng giữa mây trời đúng với cái tên gọi “đá vuốt mây” như trên. Đứng từ phía dưới nhìn lên, vách núi Thạch Động có nhiều thạch nhũ nhiều hình thù. Trong đó có một khối thạch nhũ giống như bầu vú có nước nhỏ quanh năm tựa như dòng sữa mẹ mà người dân địa phương gọi nó là bầu vú mẹ.

Đứng trước cửa động nhìn lên, Thạch Động trông giống một con đại bàng đang tung cánh oai phong. Men theo lối bậc thang lên phía trên của động, nhìn ra bên ngoài, thạch nhũ có hình một con đại bàng khổng lồ đang quặp một cô gái. Theo truyền thuyết thì cô gái này chính là công chúa trong truyền thuyết Thạch Sanh - Lý Thông, được Thạch Sanh cứu. Thạch Động cũng là nơi giam giữ công chúa, có đường thông thiên, con đường mà ngày xưa Thạch Sanh đi xuống để cứu công chúa.

Phía trong lòng động có giữ một chùa phật. Sang phía cửa Tây Nam có điện Bà Chúa Xứ. Phía đông, đứng ở dưới nhìn lên có thể nhìn thấy ánh mặt trời xuyên qua cửa hang từ trên xuống. Khi ánh sáng mặt trời rọi xuống từng đường ánh sáng long lanh, người xưa thường gọi đó là đường lên trời.

Trong động có một miệng hang kỳ bí, nhìn vào hang rất sâu, không biết thông ra đến đâu. Có nhiều người do hiếu kỳ, thích khám phá đã xuống đó đều không quay lại. Để làm rõ điều đó có người lấy một trái dừa khô đánh dấu ném xuống hang, sau đó người ta phát hiện trái dừa đó trôi trên mặt biển. Điều đó chứng tỏ là hang này thông ra biển. Hiện nay, để đảm bảo an toàn, người ta đã lấp miệng hang để tránh tai nạn.

Thạch Động có tuyến đường xe hơi có thể lên tới bậc thang vào động nên bạn có thể dễ dàng hơn cho việc tới thăm động. Những giọt nước theo tháng năm xâm thực vào đá, len lách hòa tan cùng chất vôi tạo thành những thạch nhũ độc đáo sẽ đem đến cho bạn những điều thú vị, hấp dẫn khó tả.
(Ảnh: Internet)

Dạo quanh Hà Tiên thưởng thức Hủ Tiếu hấp

Cùng với bánh cống, bún cá, ẩm thực Hà Tiên còn chứa đựng nhiều món vừa ngon, vừa lạ, lại vừa hấp dẫn. hủ tiếu hấp, món ăn được du nhập từ Campuchia đã hòa quyện cùng với ẩm thực bản địa, làm xao lòng người thưởng thức, góp phần làm nên một món ngon trong danh sách đặc sản của vùng đất miền Tây Nam Bộ.

Hủ tiếu hấp là món ăn dân dã bạn rất hay gặp khi đến với Hà Tiên, cũng là món điểm tâm ngon lạ khác với các loại hủ tiếu thông thường như hủ tiếu xào, hủ tiếu khô hay hủ tiếu nước. Món ăn này thường được bán rong ở lề đường nhưng nó vẫn đủ sức để hấp dẫn, lôi cuốn thực khách.

Món ăn này được làm từ nguyên liệu chính là sợi hủ tiếu loại tươi. Cọng hủ tiếu ngon, đạt tiêu chuẩn là phải đủ độ dai nhưng vẫn mềm. Những sợi hủ tiếu này sẽ được mang đi hấp cách thủy, chứ không dùng cách trụng trong nước sôi. Lượng nước để hấp cách thủy cũng nên vừa đủ chứ không quá nhiều để cho lượng hơi nước tỏa ra thích hợp, để sợi hủ tiếu có độ mềm vừa phải và có vị ngon hơn.

Nước sốt của hủ tiếu này được làm từ nước cốt dừa thắng sền sệt, thơm ngon, béo ngậy. Món này ăn kèm với nem bì lợn trộn thính và thịt lợn nạc thái sợi nhỏ, chả giò chiên, xíu mại, thịt nướng hay thịt gà nướng. Đặc biệt, chả giò được làm từ khoai cao cắt sợi nhỏ, kết hợp với thịt xay, hành tiêu, ướp gia vị vừa phải. Nhờ vậy, chả giò ở đây có vị bùi bùi của khoai, ngon ngọt của thịt và vị thơm của nhiều gia vị.

Ăn kèm với đó còn có dưa leo, giá đỗ, rau thơm, mỡ hành, ớt băm nhỏ... Với những thực khách muốn món ăn thêm đậm hơn thì có thể dùng thêm với nước mắm. Nước mắm chan món hủ tiếu này phải được pha bằng nước mắm nấu  cùng với đường, kết hợp cùng chanh, tỏi, ớt băm nhuyễn sao cho hài hòa, thơm ngon.

Hủ tiếu hấp thường được người dân nơi đây ăn bằng đĩa hoặc tô nhỏ. Hủ tiếu sau khi hấp sẽ được cho ra tô, để lên mặt ít bì trộn thính gạo, vài miếng thịt nướng, rau thơm và dưa leo bằm, chan chút nước dùng hay rưới nước mắm và cuối cùng là rắc lên trên chút đậu phộng rang bùi bùi.

Tùy theo khẩu vị của bạn mà bạn xem có nên chan thêm nước mắm hay không nhé. Món điểm tâm đặc biệt và độc đáo này sẽ khiến bữa ăn của bạn và gia đình thêm hấp dẫn.

Món ăn này được bày bán khá nhiều ở các quán ven đường tại Hà Tiên nhưng lại ít khi xuất hiện ở các nhà hàng hay quán ăn lớn. Tuy vậy nhưng món hủ tiếu hấp dân dã này lại khá nổi tiếng. Nhiều khách du lịch đến với Hà Tiên đều phải tìm cho bằng được chỗ bán món ăn này để nếm thử một lần.

(Ảnh:Internet)

Cà Xỉu, món ngon độc nhất vô nhị chỉ có ở Hà Tiên

Nếu có dịp đến với du lịch Hà Tiên, chắc chắn khách du lịch sẽ được giới thiệu một trong số những món ăn rất độc đáo của nơi này là món Cà Xỉu. Chỉ nghe tên thôi là bạn đã thấy lạ lùng và tò mò muốn được xem, thưởng thức món ăn đó như thế nào rồi đúng không.

Có lẽ chỉ cái tên lạ này cũng đã đủ làm nên sự độc đáo của món ăn. Cà Xỉu có hình giống các loài hải sản có vỏ như ngao nhưng cũng giống với những con côn trùng trên cạn, có đuôi dài. Thịt của cà xỉu rất ngon và ngọt nên thường được đem muối tươi để dùng ăn dần. Cà xỉu muối có thể ăn cùng với cơm nóng nhưng cũng có thể được biến tấu thành nhiều món hấp dẫn khác.

Người dân địa phương thường ăn cà xỉu muối kèm với cơm nóng theo một cách đặc biệt đó là nắm một nắm cơm vừa miệng rồi kẹp con cà xỉu vào bên trong, và cuối cùng là thưởng thức. Những biến tấu của món cà xíu đó là gỏi xoài cà xỉu, gỏi cóc cà xíu.

Cách làm món gỏi xoài cà xỉu rất đơn giản. Lấy cà xỉu đã được muối đem đi chần sơ qua với nước nóng để giảm mặn. Xoài xanh đem bào sợi nhuyễn rồi trộn với rau răm, rưới thêm chút nước giấm đường, chút nước mắm để tạo vị đậm đà. Trộn cà xỉu muối với hỗn hợp này rồi rắc đậu phộng rang giã nhỏ, hành phi hay hành tây thái sợi, ớt để tạo thêm hương vị. Vị chua chua, mặn, mặn, ngọt ngọt của món ăn này khiến cho thực khách càng ăn càng thích. Đặc biệt, phần đuôi cà xỉu có màu trong vắt, ăn rất giòn, là phần ngon nhất trong món gỏi xoài cà xỉu mà ai ăn cũng thích.

Vị thơm ngon, độc đáo của cà xỉu có đủ sức chinh phục bất cứ thực khách nào, cho dù đó là người sành ăn hay khó tính nhất. Gỏi xoài cà xỉu chỉ đơn giản thế  thôi nhưng nó lại là món ăn đặc sản của Hà Tiên có sức hấp dẫn lạ thường đối với du khách đến đây bởi hương vị đặc biệt của cà xỉu đem lại mà không có một loại hải sản nào có thể thay thế được hương vị của nó.

Nếu có một dịp nào đó bạn đến với Hà Tiên, đừng quên một lần thử món cà xỉu muối hay gỏi xoài cà xỉu nhé. Bạn cũng có thể mua một chút cà xỉu muối mang về để làm quà để người thân cùng thưởng thức, để biết rằng món ăn lạ lẫm mang đậm nét nghệ thuật ẩm thực Hà Tiên có sức thu phục thực khách như thế nào.

(Ảnh: Internet)

Mê mẩn trước vẻ đẹp của Núi Đá Dựng Hà Tiên

Núi Đá Dựng là một danh thắng nổi tiếng với nhiều truyền thuyết, nhiều huyền thoại mang dấu ấn thuở các vị tiền nhân khai hoang mở cõi đất phương Nam. Cùng với “Hà Tiên thập cảnh”, núi Đá Dựng góp phần tạo nên nhiều sự kiện văn hóa gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Hà Tiên miền Tây Nam đất nước.

Với tên gọi khác là núi Châu Nham, nằm ở phía Tây Bắc của núi Thạch Động, xã Mỹ Đức, gần với biên giới Campuchia, Núi Đá Dựng trông từ xa khá vuông vắn như được đẽo gọt một cách khéo léo và tỉ mẩn. Ngọn núi này có độ cao chừng 100m, hình thang cân.

Nơi đây có khá nhiều hang động kỳ bí với nhiều tên gọi thú vị khác nhau như hang Dơi, hang Mẹ Sanh, Hang Thần Kim Qui, hang Cội Hàng Da, hang Lầu Chuông, hang Trống Ngực, hang Biệt Động, hang chỉ Huy, động Khổ Qua.

Mỗi hang có một nét bí ẩn, lạ lùng riêng biệt. Hang Thần Kim Qui có khối đá xanh đẹp tựa hình một chú rùa đang bò chậm rãi. Hang Dơi lại nổi bật với khối thạch nhũ có hình bầu hồ lô. Động Bồng Lai lại có một không khí trong lành. Vào đến động Mẹ Sanh thì cảm giác sẽ hơi khó thở vì hang ở dưới sâu. Càng đi sâu hang càng nhỏ và tối tăm hơn khiến cho du khách cảm thấy chuyến tham quan, khám phá của mình trở lên bí ẩn hơn, phấn khích hơn.

Ở động Khổ Qua, bạn sẽ thích thú khi ngắm nhìn những thạch nhũ có hình giống như trái khổ qua khổng lồ đang rũ xuống. Ở động Sám Hối lại là hình ảnh một tượng đá giống như một nhà sư đang tựa đầu, cúi nhẹ vào vách đá suy tư.

Còn có các hang động rất nổi tiếng với những đặc trưng dễ nhận dạng như hang Trống Ngực mà khi bạn  dùng tay vỗ vào ngực mình thì vách hang sẽ trả lại cho bạn những âm thanh giống như tiếng vỗ ngực. Hay hang Lầu Chuông khi gõ vào sẽ tạo nên những tiếng trong vắt, ngân nga như tiếng chuông...

Trong mắt du khách, Núi Đá Dựng hiện lên như một lâu đài đá vĩ đại, kiên cố giữa thiên nhiên với hàng trăm pháo đài, hàng ngàn gác chuông tự nhiên từ phiến đá. Trong lòng có những hang ăn thông, xuyên qua nhau như những “mê cung” kỳ bí.

Không chỉ những hang động ẩn chứa nhiều bí ẩn, núi Đá Dựng còn lưu truyền một truyền thuyết ly kỳ về câu chuyện dân gian Thạch Sanh - Lý Thông. Theo truyền thuyết thì Hang “Cội Hàng Gia” ở mé sườn núi Đá Dựng được cho là nơi sinh sống của Thạch Sanh xưa kia và cũng là nơi chàng Thạch Sanh đã giương cung bắn con chim đại bàng đang cắp nàng công chúa bay ngang qua.

Chỉ nghe thôi có lẽ bạn không thể hình dung được hết vẻ đẹp tại nơi đây. Thiên nhiên tươi đẹp, hang động kỳ bí, những khối thạch nhũ muôn hình sẽ làm cho chuyến khám phá của bạn thêm nhiều màu sắc biết bao.

(Ảnh: Internet)

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Cùng vào bếp làm món bún Kèn Hà Tiên

Nói đến các đặc sản Hà Tiên là phải nhắc đến món bún Kèn bổ dưỡng và ngon miệng. Bún Kèn là một món ăn có hương vị thơm ngon mà khách du lịch có thể ăn hoài cũng không ngán.

Để làm món ăn này cũng không khó. Bạn chỉ cần chuẩn bị những nguyên liệu cần thiết, sau đó chỉ cần bắt tay vào làm theo công thức là bạn có thể thưởng thức món ăn ngon này cùng với gia đình.

- Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món Bún Kèn gồm có: Cá biển tươi, tôm khô, mì, sả, nghệ, hạt điều, đu đủ sống, dứa, dừa, giá đỗ, dưa chuột, húng lủi, rau cải, húng quế, rau răm, tỏi, ớt, sả và các gia vị có trong nhà bếp của bạn.

- Tiếp theo là bắt tay vào bếp để chế biến món bún Kèn thơm ngon.

+ Hạt điều đem chao qua với dầu ăn rồi đặt riêng ra bát; Tỏi, hành tây, sả xắt nhỏ; Đu đủ, dừa và dưa chuột bào sợi nhỏ; Rau sống rửa sạch, để ráo nước.

+ Tôm khô đem ngâm nước, vớt ra để khô và cho đi nghiền nhỏ.

+ Dứa gọt vỏ, thái miếng nhỏ.

+ Cá biển tươi làm sạch, cho vào nồi nước sôi để luộc. Sau đó, đưa cá ra để nguội rồi lọc riêng phần thịt và xương. Chú ý lọc xương cẩn thận để khi ăn không bị hóc xương. Đem phần thịt cá đã lọc xương ướp với một phần tỏi, sả nghiền cho lúc đầu. Ướp như vậy sẽ giúp cho thịt cá khi ăn không bị tanh và đậm vị, thơm hơn.

Bạn cũng có thể thêm vào đó một ít nghệ băm nhỏ để cho cá có màu hơi ngả vàng, trông bắt mắt hơn.

+ Tiếp theo là chuẩn bị nước dùng cho bún Kèn.

Bạn thêm tỏi, dứa vào nước thịt cá lúc đầu, cho thêm nước cốt dừa nấu với leo cá vào nước vào nồi rồi đun sôi.

Khi nước sôi, vặn nhỏ lửa để nồi nước dùng sôi lăn tăn, cho thêm sả, nghệ thái nhỏ để tăng hương vị đậm đà của nước dùng. Đây là khâu chế biến quan trọng bởi nước dùng chính là điểm mấu chốt của món ăn này.

Bạn nêm nếm gia vị cho vừa ăn, cho hạt điều trong để tạo màu.

Cho mì vào bát, để vài lát cá, tôm nghiền lên trên, sau đó rưới nước dùng lên bát. Chuẩn bị giá, đu đủ, dưa chuột bào sợi, rau thơm các loại để ăn cùng với bún Kèn. Bạn nhớ nên ăn bún khi còn nóng nhé, như vậy thì vị của món ăn mới thêm đậm đà. Một tô bún còn nóng hổi, nghi ngút khói cho bữa ăn của gia đình bạn còn gì tuyệt vời hơn phải không.

Tùy thuộc vào khẩu vị, bạn có thể cho thêm một chút bột nêm hoặc nước mắm ớt hoặc một chút dừa nếu bạn thích, như vậy càng làm cho món ăn thêm hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn.

(Ảnh: Internet)